Đặc điểm sinh học của chim yến
Đăng bởi: Admin - 07/07/2022
TÓM TẮT
Chim Yến Hàng (Collocallia fucifagagemani Oustalet) thuộc giống Collocalia, họ Apodidae, bộ Yến Apodiformes là loài chim có giá trị kinh tế, do tổ của loài chim này đươc xây bằng nước bọt có giá trị dinh dưỡng cao.Ở khu vực duyên hải Nam Trung bộ, Chim Yến hàng phân bố chủ yếu ở Nha Trang, Khánh Hòa và ở Cù Lao Chàm Hội An, Quảng Nam.
Những khảo sát bước đầu về một số đặc điểm sinh thái của chim Yến hàng cho thấy: chim Yến Hàng phân bố tại 4 đảo Hòn Tai, Hòn Lao, Hòn Khô và Hòn Ông, hoạt động chủ yếu vào ban ngày, mùa sinh sản từ tháng 12 đến tháng 7 trong đó thời gian xây tổ trung bình từ 90 – 110 ngày, kích thước tổ bao gồm: độ dày trung bình của chân tổ là 61,8 mm, vách tổ là 10,8mm, mép tổ là: 53,4mm, trọng lượng trung bình của một tổ Yến là 10,8g.
1. Đặt vấn đề
Xã đảo Tân Hiệp Cù Lao Chàm thuộc thành phố Hội An tỉnh Quảng Nam nằm trong vùng phân bố của chim Yến Hàng và có nghề khai thác tổ Yến. Tuy nhiên, trong những năm gần đây tình hình khai thác tổ Yến quá mức ở địa phương dẫn đến số lượng cá thể trong đàn và chất lượng tổ yến có chiều hướng suy giảm. Trong khi đó những nghiên cứu về loài chim này ở địa phương còn rất ít, mới chỉ có các nghiên cứu của Nguyễn Chí Trung, Trần Ánh (2007) về giá trị kinh tế của phân loài chim Yến Hàng tại Cù Lao Chàm Hội An Quảng Nam.
Những nghiên cứu của chúng tôi về một số đặc điểm sinh thái của chim Yến Hàng trong điều kiện tự nhiên tại Cù Lao Chàm, Hội An, Quảng Nam nhằm bổ sung các dữ liệu khoa học làm cơ sở cho việc quy hoạch, bảo tồn và khai thác bền vững nguồn lợi chim Yến Hàng của địa phương.
2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu
2.1. Đối tượng
Chim Yến Hàng (Collocallia fucifagagemani Oustalet) thuộc giống Collocalia, họ Apodidae, bộ Yến Apodiformes.2.2. Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp kế thừa: Kế thừa có chọn lọc các tài liệu trong và ngoài nước có liên quan đến vấn đề nghiên cứu. Điều tra theo tuyến và điểm: Theo phương pháp của Nguyễn Quang Phách 1993
- Điều tra theo tuyến: Mỗi tháng tiến hành khảo sát 3 đợt mỗi đợt từ 2-3 ngày trên 3 tuyến xác định và khảo sát liên tục từ tháng 12/2009 đến tháng7/2010
- Điều tra theo điểm: Định vị các vị trí quan sát và ghi nhận các hoạt động của chim bằng mắt thường và ống nhòm; Khảo sát một số yếu tố môi trường tại nơi chim làm tổ nhiều nhất (nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng...) 3 lần /1ngày; Nghiên cứu chu kỳ hoạt động ngày đêm: theo dõi thời gian bắt đầu hoạt động (rời hang) và thời gian kết thúc hoạt động (bay về hang). Quan sát liên tục từ 5 giờ sáng đến 21 giờ tối; Nghiên cứu đặc điểm sinh sản: Quan sát, theo dõi các hoạt động và tập tính trong mùa sinh sản, cân, đo trọng lượng kích thước trứng và con non.
- Phương pháp điều tra phỏng vấn: Đối tượng điều tra, phỏng vấn: cán bộ quản lí (3 người), công nhân làm việc tại đội khai thác Yến Sào (30 người); Nội dung điều tra phỏng vấn: nơi phân bố, nơi ở, đặc điểm sinh sản và số lần khai thác trong năm; Cách thức phỏng vấn: phỏng vấn trực tiếp và qua bảng hỏi.
- Phương pháp xử lý số liệu nghiên cứu: Sử dụng thống kê toán học và phần mềm Microsoft Excel 2003.
3. Kết quả nghiên cứu
3.1. Sự phân bố của loài chim Yến Hàng tại Cù Lao Chàm, Hội An, Quảng Nam
Kết quả khảo sát sự phân bố của loài chim yến hàng ở Cù Lao Chàm, từ 12/2009 - 3/2010 đã xác định chim Yến Hàng phân bố tại: 4 đảo trong tổng số 8 đảo gồm: đảo Hòn Khô, Hòn Tai, Hòn Ông và Hòn Lao. Trong đó đảo Hòn Lao 4 hang (chiếm 44,5%), Hòn Tai và Hòn Khô, mỗi hang đều có 2 hang (chiếm 44,4%) và Hòn Ông 1 hang(chiếm 11,1%).
3.2. Nơi ở của chim Yến Hàng tại Cù Lao Chàm
Nơi ở của chim Yến Hàng là các hang trên đảo chúng tôi đã tiến hành khảo sát đặc điểm của hang (Vị trí cửa hang, hướng cửa, diện tích cửa), dung tích hang và nền đáy của 9 hang tại 4 đảo. Kết quả được ghi nhận ở bảng 1.- Về cửa hang
Hướng cửa hang: đều hướng theo 3 hướng là Đông, Nam và Bắc, trong đó số lượng hang cửa hướng Đông chiếm 55,6% tổng số hang khảo sát; hướng Nam và hướng Bắc chiếm 44,4%. Tham khảo nghiên cứu của Hồ Thế Ân và Nguyễn Quang Phách 1977 về hướng cửa hang Chim Yến Hàng vùng Khánh Hòa cũng có kết quả tương tự.
Việc chim Yến Hàng thường chọn hang có cửa hướng Đông theo chúng tôi có liên quan đến sự thích nghi về thời gian và chu kỳ chiếu sáng.
- Nền đáy: có 2 kiểu là nền đáy đá và nền đáy nước. Trong đó kiểu hang đáy đá chiếm 56% tổng số hang khảo sát, kiểu hang đáy nước chiếm 44%.
- Về diện tích: diện tích cửa hang ở 2 kiểu hang có sự thay đổi rõ rệt, các hang đáy đá diện tích cửa hang nhỏ hơn hang đáy nước. Sở dĩ có sự lựa chọn này theo chúng tôi có liên quan đến việc phòng tránh kẻ thù, bảo vệ trứng và chim non trong mùa sinh sản.
Xét mối tương quan giữa diện tích cửa hang và dung tích hang chim Yến Hàng, chúng tôi thấy có sự tương quan thuận giữa diện tích cửa hang và dung tích hang.
Nghiên cứu một số yếu tố môi trường ở 2 hang, hang Cả thuộc kiểu hang đáy đá và hang Tò vò thuộc kiểu hang đáy nước ở đảo hòn Lao kết quả được ghi nhận như sau:
+ Nhiệt độ trung bình bên trong ở cả 2 kiểu hang không đồng đều qua các tháng, tháng có nhiệt độ trung bình cao nhất là tháng 6 (hang Cả: 300C± 0,32, hang Tò vò: 340C ± 0,54), tháng có nhiệt độ trung bình thấp nhất là tháng 12 (hang Cả: 19,0C± 0,48, hang Tò vò 20,50C ± 0,5).
Trong suốt thời gian khảo sát, chúng tôi thấy nhiệt độ trung bình bên trong hang đáy nước luôn thấp hơn hang đáy đá.
+ Ẩm độ ở trong hang đáy nước 89 -92%, hang đáy đá 73% - 85%. Sự khác nhau về biên độ dao động ẩm độ ở 2 hang này là do có sự khác nhau về nền đáy. Khảo sát số lượng cá thể chim yến cư trú tại 2 hang, chúng tôi thấy ở cả 2 kiểu hang, số lượng cá thể chim Yến đến làm tổ trong mùa sinh sản luôn cao và tương đối ổn định.
Để làm rõ vai trò của nhân tố độ ẩm đối với việc chọn nơi sinh sản của loài chim này, chúng tôi đã tiến hành khảo sát yếu tố ẩm độ tại Hang Cốc (nơi chim Yến không vào làm tổ). Kết quả cho thấy: độ ẩm trong hang này luôn thấp (dưới 74%). Như vậy, có thể nói, ẩm độ cũng là một trong những nhân tố có ảnh hưởng đến việc lựa chọn nơi sinh sản của loài chim Yến vùng nghiên cứu.
+ Ánh sáng: Kết quả khảo sát cường độ ánh sáng trong hang cho thấy nhu cầu về cường độ ánh sáng trong hang chim Yến không cao (dưới 50 lux), kết quả này có thể có liên quan đến việc trú ẩn phòng tránh kẻ thù, về vấn đề này cần có thêm thời gian để kiểm chứng.
3.3. Chu kỳ hoạt động ngày đêm của chim yến hàng tại Cù Lao Chàm
Nghiên cứu chu kỳ hoạt động ngày đêm của chim Yến Hàng ở Cù Lao Chàm cho thấy chúng hoạt động chủ yếu vào ban ngày.
Quan sát thời điểm chim Yến rời hang và về hang kết quả được ghi nhận ở bảng 2.
Quan sát thời điểm chim Yến rời hang và về hang kết quả được ghi nhận ở bảng 2.
Như vậy, thời điểm chim Yến Hàng bắt đầu rời hang và về hang đều vào cùng một thời điểm từ 5g28 phút - 5g 36 phút sáng và 16g55 phút - 17g15 phút chiều. Tuy nhiên, các thời điểm này có sự dao động qua các tháng và nhân tố chi phối sự dao động này là sự thay đổi chu kỳ chiếu sáng và các hoạt động của chim trong mùa sinh sản.
Qũy thời gian rời tổ của chim Yến trong khoảng 17-18 phút và về tổ khoảng 86-87 phút.
Khảo sát số lần rời hang và về hang trong ngày, chúng tôi thấy có sự thay đổi rõ ràng. Cụ thể mùa sinh sản chim Yến Hàng rời và về hang: 1 lần/ngày thời kỳ chim ghép đôi và làm tổ; 2 lần/ngày thời kỳ chim đẻ và ấp trứng; 4-5 lần/ngày thời kỳ nuôi và chăm sóc con non.
3.4. Đặc điểm sinh sản của chim Yến hàng tại Cù Lao Chàm
Kết quả nghiên cứu đặc điểm sinh sản của chim Yến Hàng cho thấy:- Thời gian sinh sản: bắt đầu từ tháng 12, kết thúc vào tháng 7 năm sau.
- Các hoạt động trong mùa sinh sản gồm: ghép đôi, giao hoan, giao phối (tháng 12), xây tổ (từ tháng 1- tháng 4), đẻ trứng (tháng 5), trứng nở (tháng 6) chim non rời tổ (tháng 7).
- Tập tính sinh sản:
Quan sát tập tính ghép đôi và giao hoan của 3 đôi chim Yến tại hang Cả (1 đôi) và hang Tò vò (2 đôi) cho thấy. Chim Yến ghép đôi vào buổi sáng sau khi rời hang và buổi chiều trước lúc vào hang khoảng 30 phút, chúng lượn thành từng đàn, từng nhóm nhỏ, từng đôi trước cửa hang và liên tục phát ra tín hiệu tìm “bạn tình” để ghép đôi và giao hoan.
* Giao phối: Quan sát hoạt động giao phối của 2 đôi chim yến hàng tại cửa Hang Tò Vò vào lúc 17 giờ ngày 15 tháng 4 năm 2010 và 1 đôi tại cửa Hang Cả vào lúc 6 giờ ngày 28 tháng 4 năm 2010.) cho thấy yến hàng giao phối trong khi bay.
* Hoạt động xây tổ: chim yến xây tổ lần lượt như sau đầu tiên xây gốc tổ (D) Æ Xây mép tổ (R) Æ xây thành tổ (H). Gốc tổ được hoàn thành sớm nhất. Còn độ dài mép tổ và độ dày thành tổ hình thành sau và tăng chậm.
* Mật độ tổ: Mật độ tổ chim yến trong hang ở các vị trí khác nhau thì khác nhau. Vị trí nóc hang có mật độ tổ cao nhất (38 tổ/1m2), mép hang mật độ tổ thấp nhất (12 tổ/m2).
* Thời gian đẻ trứng: Thời gian đẻ trứng vào tháng 5.
* Thời điểm đẻ trứng: vào lúc 17 giờ chiều hôm trước đến 7 giờ sáng hôm sau.
* Số lượng trứng: Chim Yến Hàng ở Cù Lao Chàm một lứa đẻ từ 1-2 trứng. Trong đó số chim đẻ 2 trứng/lứa chiếm 90%
* Kích thước và khối lượng trứng chim: Kết quả nghiên cứu cho thấy trứng chim Yến Hàng tại Cù Lao Chàm có chiều dài trung bình 21,5mm, chiều rộng trung bình 14,2mm và khối lượng trung bình 2,00 gam.
* Thời gian ấp trứng: thời gian ấp trứng trong khoảng từ 25 - 26 ngày.
* Tỉ lệ trứng nở: Tỉ lệ nở chim non trong điều kiện tự nhiên tại Cù Lao Chàm tương đối cao trong khoảng từ 87%- 93%, trong đó hang đáy đá có tỉ lệ nở cao hơn.
* Con non: Quan sát con non mới nở có trọng lượng trung bình :1,5 gam. Sau khi nở khoảng 1 ngày tuổi chim non phát tín hiệu đòi ăn. Khi xuất hiện lông cánh, chim non bắt đầu vỗ cánh tập bay. Số lần vỗ cánh tăng theo tuổi, từ lúc nở cho đến khi rời tổ bay kiếm ăn theo đàn khoảng 40 – 50 ngày.
* Chăm sóc con non: Sau khi chim non được 1 ngày tuổi chim bố mẹ bắt đầu mớm mồi cho con, một ngày trung bình 3 lần/ngày (nhiều nhất là 7 lần/ngày, ít nhất là 2 lần/ngày). Thời điểm mớm mồi tập trung vào lúc 7 giờ và 19 giờ trong ngày.
4. Kết luận
Từ các kết quả nghiên cứu một số đặc điểm sinh thái của chim Yến Hàng ở Cù Lao Chàm, Hội An, Quảng Nam từ tháng 12/2009 đến tháng 7/2010, chúng tôi rút ra một số kết luận sau:- Chim Yến Hàng phân bố tại 4 đảo trong tổng số 8 đảo gồm: đảo Hòn Khô, Hòn Tai, Hòn Ông và Hòn Lao. Trong đó đảo Hòn Lao 4 hang (chiếm 44,5%), Hòn Tai và Hòn Khô mỗi hang đều có 2 hang (chiếm 44,4%) và Hòn Ông 1 hang (chiếm 11,1%).
- Nơi ở của chim Yến Hàng tại Cù Lao Chàm là các hang trên đảo, có vị trí cửa hang: phổ biến ở độ cao 10m, hướng cửa hang theo 3 hướng: Đông, Nam và Bắc, hang cửa hướng Đông chiếm 55,6%.
+ Nền đáy có 2 kiểu: nền đáy đá và nền đáy nước.
+ Nhiệt độ trung bình bên trong hang không đồng đều qua các tháng, tháng 6 có nhiệt độ trung bình cao nhất 30oC - 34oC tháng 12 có nhiệt độ trung bình thấp nhất: 19oC - 20,5oC.
+ Ẩm độ ở trong hang đáy nước luôn cao 89 -92%, hang đáy đá 73% - 85%.
+ Ánh sáng: cường độ ánh sáng trong hang chim Yến không cao (dưới 50 lux).
- Chu kỳ hoạt động ngày đêm: chim Yến Hàng ở Cù Lao Chàm hoạt động chủ yếu vào ban ngày, thời điểm rời hang và về hang trong khoảng từ 5g28 phút - 5g 36 phút sáng và 16g55 phút - 17g 15 phút chiều.
- Đặc điểm sinh sản của chim Yến Hàng tại Cù Lao Chàm: mùa sinh sản từ tháng 12 - tháng 7 năm sau. Các hoạt động trong mùa sinh sản gồm ghép đôi, giao hoan, giao phối, xây tổ, đẻ trứng, ấp trứng chăm sóc chim non. Con non mới nở có trọng lượng trung bình 1,5 gam, chim non được 1 ngày tuổi chim bố mẹ bắt đầu mới mồi cho con, một ngày trung bình 3 lần/ngày.
Đinh Thị Phương Anh
Đại học Đà Nẵng
Võ Tấn Phong
Trường THPT Trần Quý Cáp - Hội An, Quảng Nam